PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) kể lại những chi tiết sống động trong hoạt động ngoại giao của ông Lê Đức Thọ trong đàm phán Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
“Mắng” và “dạy” đối phương ngay trên bàn đàm phán
- Những bước ngoặt nào tại hội đàm công khai sau một số cuộc gặp riêng như thế, thưa ông?
Trong cuộc đàm phán Hiệp định Paris, theo tôi nghiên cứu, có hai vấn đề rất lớn nổi lên.
Thứ nhất, chúng ta yêu cầu quân chiến đấu Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Vấn đề còn lại của ba bên, thực chất là của người Việt Nam với nhau nên chúng ta có thể tự giải quyết. Phía Mỹ lập luận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia nhưng lại mang quân vào Việt Nam Cộng hòa, đòi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải rút quân.
Hai ông Xuân Thủy và Lê Đức Thọ cho rằng, lập luận của Mỹ không có cơ sở. Việt Nam là một quốc gia thống nhất, hiệp định Giơnevơ 1954 phân chia vĩ tuyến 17 thành giới tuyến quân sự tạm thời. Việc đặt giới tuyến quân sự tạm thời giúp hai miền từ năm 1954 đến 1956 hiệp thương với nhau, tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Rõ ràng, hiệp định đã chỉ rõ vấn đề ở vĩ tuyến 17, song phía Mỹ cố tình biến ranh giới quân sự tạm thời thành ranh giới quốc gia. Vì vậy, người Việt Nam phải đưa lực lượng vào giúp miền Nam đánh đuổi kẻ xâm lược. Chúng ta kiên trì quan điểm đó.
Sau khi lên làm Tổng thống tháng 1/1969, ông R. Nixon đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân Mỹ về nước. Đó là lời hứa của ông R. Nixon khi vận động bầu cử Tổng thống và đây là điều người dân Mỹ cần. Đến thời điểm này nếu chúng ta không đấu tranh, Mỹ cũng sẽ rút quân, bởi Mỹ nhận ra cho dù có 50 vạn quân hay 70 vạn quân cũng không giải quyết được vấn đề Việt Nam bằng quân sự. Mỹ đã đề nghị chúng ta đàm phán không điều kiện, và chúng ta chấp thuận. Điều đó đánh dấu quá trình Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa.
Vấn đề lớn thứ hai là, chúng ta yêu cầu Mỹ và các nước công nhận, tôn trọng độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nếu Mỹ thừa nhận vấn đề này tức Mỹ thừa nhận Việt Nam là một đất nước thống nhất.
Sau này, hai vấn đề lớn đó chúng ta đều đạt được. Nhưng tiến bộ thực chất đều nằm trong các cuộc gặp riêng. Điều 1 ghi, Mỹ và các nước khác công nhận, tôn trọng độc lập, thống nhất chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam như trong Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Điều 5, Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ cam kết rút khỏi miền Nam trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
- Ông Lê Đức Thọ đã tạo nhiều ấn tượng ngoại giao trong quá trình đàm phán cho Hội nghị Paris, thưa ông?
Có một câu chuyện tôi chứng kiến trực tiếp, năm 2010 tôi sang Mỹ dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Hội trường được chia làm ba khối ghế, khối ghế đầu tiên H. Kissinger ngồi. Khi thấy chúng tôi đi vào, H. Kissinger chống hai tay, đứng dậy, tiến đến bắt tay đoàn Việt Nam. Năm đó, ông đã 88 tuổi. Lúc đó chúng tôi đề nghị H. Kissinger chụp ảnh cùng, ông rất vui vẻ, kéo tôi vào đứng cạnh. Sau khi chụp ảnh, H. Kissinger chỉ tay cười nói, ông Lê Đức Thọ làm tôi già nhanh như này. Chúng tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao ông ấy lại nói “ông Lê Đức Thọ làm tôi già nhanh như này”.
Ban tổ chức hội thảo mời H. Kissinger đọc tham luận về hội nghị Paris. H. Kissinger đọc 20 phút, dành 40 phút trả lời câu hỏi. Tôi hỏi H. Kissinger 2 câu: “Thứ nhất, xin ngài cho biết vai trò của ngài trong cuộc ném bom 12 ngày đêm năm 1972?; Thứ hai, lúc ngài chụp ảnh cùng chúng tôi ngài có chỉ vào vào mặt nói là, ông Lê Đức Thọ làm tôi già nhanh như thế này, là thế nào?”.
Câu thứ nhất H. Kissinger tránh không trả lời, vì ông biết phía ta hỏi trực diện như vậy thì chính ta đã có câu trả lời. Trên thực tế, ông có vai trò rất lớn trong cuộc ném bom 12 ngày đêm năm 1972. Câu hỏi thứ hai ông trả lời rất kỹ, cho biết ông làm việc với Lê Đức Thọ mấy năm liền, có rất nhiều cuộc gặp riêng và cảm nhận Lê Đức Thọ là con người rất kiên định, thông minh. H. Kissinger nói ông Lê Đức Thọ hơn ông 11 tuổi nên hay mắng ông.
H. Kissinger nhắc đến cuộc gặp riêng giữa hai ông. Những cuộc gặp đó hai bên có phiên dịch riêng vì không thể tin tưởng đối phương, nếu chỉ dùng một phiên dịch có khi dịch sai nên phải có phiên dịch đối chứng. Mỗi cuộc gặp riêng của hai ông thường kéo dài 45 phút. Trong một cuộc gặp riêng, ông Lê Đức Thọ đứng lên nói trước. Ông nói về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Khi chỉ còn 5 phút, ông H. Kissinger giơ tay đề nghị không nói nữa. Ông chỉ đồng hồ, nói: “Thưa ngài bây giờ chỉ còn 5 phút, kết thúc cuộc họp, cửa mở ra là có báo chí chờ sẵn, họ sẽ hỏi là hôm nay các ngài đạt được thỏa thuận gì. Theo ngài, chúng ta nên nói như thế nào?”. Ông Thọ trả lời: “Có gì đâu, ông cứ trả lời tôi giảng cho ông về lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam”.
H. Kissinger thừa nhận ông Lê Đức Thọ không được đào tạo về ngoại giao nhưng là một nhà ngoại giao lão luyện, rất kiên định và kiên trì với mục tiêu của mình. H. Kissinger rất kính trọng ông Lê Đức Thọ nên dùng cụm từ ông Lê Đức Thọ “mắng tôi”. Qua đó, chúng ta biết được ông Lê Đức Thọ rất kiên định và thông minh. Ông Lê Đức Thọ phát hiện, bác bỏ những vấn đề H. Kissinger cài cắm trong đối thoại, chỉ có vấn đề có lợi cho Việt Nam ông mới chấp nhận.
Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc ngày 29/12/1972, đến ngày 8/1/1973 Mỹ và Việt Nam gặp nhau theo đề nghị phía Mỹ. Cuộc gặp diễn ra tại trụ sở đoàn Việt Nam. Hôm đó, đoàn Mỹ sang trụ sở đoàn Việt Nam gặp gỡ lần đầu tiên sau cuộc ném bom. Đoàn ta chủ trương không đón Mỹ, đóng cổng. Phía Mỹ phải xuống xe, bấm chuông, người trông coi biệt thự ra mở cửa. Đoàn Mỹ đi xe vào thấy sân trống không có một ai. Người trông coi biệt thự hướng dẫn đoàn Mỹ đến phòng họp, phía Mỹ thấy đoàn Việt Nam ngồi chờ sẵn một bên bàn họp, ông Lê Đức Thọ ngồi giữa, bên đối diện H. Kissinger và đoàn Mỹ ngồi.
Cuộc họp bắt đầu, ông Lê Đức Thọ chỉ vào mặt H. Kissinger, nói: “Ông phản bội tôi. Tôi với ông thỏa thuận về xin ý kiến lãnh đạo hai nước rồi sang họp tiếp. Nhưng tôi về nước được 4 tiếng thì ông ném bom lên đầu tôi, ông phản bội tôi, như thế là ngu ngốc, ngu ngốc, ngu ngốc”. Khi phiên dịch viên dịch lại, H. Kissinger lập tức giơ tay đề nghị ông Lê Đức Thọ không dùng nhiều tính từ như vậy.
Câu chuyện này thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn của ông Lê Đức Thọ. Bởi vì trong khi ông Lê Đức Thọ về báo cáo ông Lê Duẩn, tất cả đều được thông qua và được hối thúc quay trở lại sớm đàm phán với Mỹ, ký kết hiệp định. Nhưng lúc ông Lê Đức Thọ định quay trở lại Paris thì Hà Nội đã bị Mỹ ném bom.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh tư liệu)
- Sau hội nghị ở Paris, hai ông Lê Đức Thọ và H. Kissinger được đề cử giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ từ chối. Điều này được ghi thế nào trong các tài liệu nghiên cứu về lịch sử Đảng?
Báo chí trong và ngoài nước đưa tin, Ủy ban Giải thưởng Nobel quyết định tặng giải thưởng Nobel Hòa bình cho 2 người có công lớn nhất trong Hiệp định Paris là Lê Đức Thọ và H. Kissinger. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã từ chối vì cho rằng, đây không phải là công lao của cá nhân ông mà là của toàn thể dân tộc Việt Nam. Ông cùng mọi người chiến đấu vì hòa bình, không chiến đấu vì giải thưởng.
Trong sách lịch sử của chúng ta không ghi chép chính thức vấn đề Lê Đức Thọ từ chối nhận giải Nobel Hòa bình mặc dù đó là sự thực. Sau này tôi được biết, H. Kissinger cũng không được nhận giải thưởng này, bởi phía Ủy ban Giải thưởng Hòa bình quyết định tặng chung cho hai bên, giải thưởng chia đôi. Một bên không nhận, bên còn lại H. Kissinger nhận thì không đúng, nên ông quyết định không nhận giải.
Sau này, H. Kissinger sang thăm Hà Nội. Chính ông Lê Đức Thọ đã đón H. Kissinger và đưa ông đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Họ dừng lại trước bức trướng có in bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên phận định tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Tại đây, ông Lê Đức Thọ dịch bài thơ này cho H. Kissinger hiểu. Khi nghe xong, ông H. Kissinger nói rằng, đây chính là điều 1 trong Hiệp định Paris (Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ 1954 đã công nhận). Đến đây, chúng ta nhận ra được thái độ H. Kissinger đã nhũn nhặn khi ông bình luận một cách rất tích cực, đây là điều 1 của Hiệp định Paris.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà cùng đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh với H. Kissinger dự hội thảo về Chiến tranh Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2010.
- Theo ông, đường lối đấu tranh ngoại giao của Đảng, của Bác Hồ thể hiện thế nào qua đàm phán Paris?
Đường lối đấu tranh ngoại giao được Đảng ta tính toán phù hợp bối cảnh, nhấn mạnh phải giành thắng lợi ở trên chiến trường. Ở trên chiến trường không giành được lợi thế thì trên bàn hội nghị chúng ta cũng không thể giành được. Nghĩa là đấu tranh vũ trang, quân sự đóng vai trò quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán.
Cuộc đàm phán Paris rất đặc biệt so với Giơnevơ, mặc dù cả hai đều kết hợp quân sự với ngoại giao. Đoàn đàm phán của ông Phạm Văn Đồng đến Giơnevơ với vị thế của người chiến thắng, đánh thắng trận Điện Biên Phủ và đàm phán với Pháp ký hiệp định Giơnevơ. Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ năm 1968, ngay sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân, Tổng thống L. Johnson đưa ra đề nghị đàm phán không điều kiện bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ cấp nào. Lúc này, chúng ta hiểu lời đề nghị của ông L. Johnson mang tính thực chất và đồng ý.
Năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, chúng ta tiến hành Tổng tiến công Mậu Thân. Sau Mậu Thân ta tổn thất nhiều lực lượng, mất đất, mất dân nên chỉ duy trì đàm phán ở mức nhất định. Năm 1972, tiếp tục bầu cử Tổng thống Mỹ, ông R. Nixon muốn ứng cử, tái cử nhiệm kỳ 2, chúng ta tiến hành tổng tiến công chiến lược. Tức là Đảng ta luôn luôn cho rằng phải có hoạt động quân sự với những đòn chí tử đối với Mỹ để giành lợi thế đàm phán.
Đến năm 1972, Mỹ phải ký Hiệp định Paris, lần này do chúng ta chủ động, nhân nhượng. Chúng ta xác định ông R. Nixon muốn đắc cử nhiệm kỳ 2 thì phải giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam bằng việc ký hiệp định. Chúng ta chủ động nhân nhượng. Những nhân nhượng này do phía Mỹ đề nghị cách đây 4 năm nhưng chúng ta không chấp nhận.
Qua câu chuyện đó, tôi hiểu ra rằng, trong các cuộc đàm phán chúng ta luôn ở thế chủ động. Ngày 8/10/1972, Đảng ta đưa bản dự thảo có các điều khoản nhân nhượng. Nhân nhượng ở đây là chấp nhận đề nghị trước đây của Mỹ, ví dụ như công nhận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là một thực thể. Mặc dù đoàn đại biểu của Việt Nam Cộng hòa đã ngồi ở bàn đàm phán từ tháng 1/1969 nhưng chúng ta không công nhận. Đến tháng 10/1972 chúng ta công nhận miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị.
Lúc nhận thấy chúng ta nhân nhượng, thống nhất ký hiệp định, Tổng thống R. Nixon tráo trở muốn chúng ta nhân nhượng thêm nhiều vấn đề khác. Chúng ta không nhân nhượng, Mỹ đặt lại vấn đề đòi ta rút quân. Trong khi đó từ giữa năm 1971, Mỹ đã không đòi Việt Nam rút quân. Tổng thống R. Nixon quyết định tập kích đường không B-52 vào Hà Nội cuối năm 1972. Kết quả Mỹ thua cuộc, một lần nữa đề nghị Việt Nam ngồi vào đàm phán ký hiệp định. Tuy nhiên, chúng ta kiên định với tinh thần không đổi so với đề nghị trong bản dự thảo tháng 10/1972.
Chủ trương của Đảng luôn luôn kết hợp quân sự ngoại giao, nhưng quân sự đóng vai trò quyết định. Nếu chúng ta không thắng lợi trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972, không bắn rơi nhiều B-52 cuộc đàm phán sẽ rất gay go, có khi phải nhân nhượng tiếp. Nhưng chúng ta lại chiến thắng nên cuộc đàm phán Paris dẫn đến cái kết có hậu như thế.
- Đường lối ngoại giao hiện nay của Nhà nước ta đã kế thừa và phát huy những bài học trong đàm phán Paris ra sao, thưa ông?
Đường lối ngoại giao của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rất linh hoạt, cân bằng được mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đang mâu thuẫn gay gắt, để hai nước tiếp tục viện trợ cho Việt Nam. Đây chính là cái hay của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta.
Áp dụng kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ vào đường lối đối ngoại hiện nay, ngoài việc làm bạn với các nước, cân bằng các mối quan hệ với các nước lớn là điều quan trọng. Đảng ta đề ra chính sách quốc phòng rất độc lập với 4 không: Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên đất nước Việt Nam; không tham gia vào liên minh quân sự; không liên kết để chống đất nước thứ ba; cam kết không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tức là sử dụng chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, không lệ thuộc bất kỳ đất nước nào.
Tính từ năm 1986, Đảng ta đề ra chủ trương làm bạn với tất cả các nước, hội nhập quốc tế. Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 là dấu ấn thành công rất lớn trong ngoại giao. Hiện nay, chúng ta cân bằng được quan hệ với các nước.
Ngoài việc cân bằng chiến lược với các nước lớn, vận động nhân dân thế giới ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa là một mục tiêu khác. Chúng ta có độc lập, chủ quyền trong tranh chấp quốc tế. Ví dụ như căng thẳng trên biển Đông, đường lối đối ngoại là đối thoại, không đối đầu, rất cương quyết về mặt chủ quyền, giống như chủ trương trước đây của Bác Hồ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bất biến là gì? Là độc lập, chủ quyền không mang ra trao đổi. Còn ứng vạn biến là những cái khác mang tính sách lược có thể thỏa thuận, trao đổi. Tôi thấy kinh nghiệm hoạt động ngoại giao trước đây, nhất là từ Hiệp định Paris, cách đây 50 năm được Đảng ta đã áp dụng vào tình hình hiện nay rất thành công.
Một chủ trương đối ngoại khác, khi chúng ta có thực lực thì tiếng nói mới có trọng lượng. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, nếu chúng ta yếu thì chúng ta chỉ là khí cụ trong tay người khác, nếu không tự xây dựng thực lực thì không thể có tiếng nói. Đấy là chủ trương rất hay, chúng ta phải xây dựng thực lực.